0225.3.519.687

Bệnh Rubella và thai kỳ ? Các mẹ bầu nên chú ý

Bệnh Rubella và thai kỳ

Bệnh Rubella là gì?

Rubella tên gọi khác là bệnh Sởi Đức, đây là một bệnh truyền nhiễm do virut Rubella gây ra, lây truyền qua đường hô hấp. Thời điểm lây lan bệnh cao nhất là vào cuối mùa đông và mùa xuân. Đây là một bệnh sốt phát ban lành tính, thường không gây nên những biến chứng nguy hiểm với những phụ nữ không mang thai. Tuy nhiên, với phụ nữ có thai, việc nhiễm Rubella trong ba tháng đầu thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ chết thai, sảy thai và những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi. Vì thế, việc tìm hiểu về căn bệnh này là rất cần thiết với tất cả những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là những gia đình đang lên kế hoạch để sinh em bé trong thời gian sắp tới. Các bạn hãy cùng các Bác Sĩ khoa Sản- Nhi Viện Y Học Biển Việt Nam tìm hiểu về những thông tin cần biết về căn bệnh này nhé !!!

Những biểu hiện thường gặp của bệnh Rubella?

Biểu hiện nhiễm bệnh của mẹ thường là nhẹ với những triệu chứng như sốt và xuất hiện những nốt phỏng nước ban đầu ở mặt và sau đó lan rộng ra toàn cơ thể và tay, chân. Các triệu chứng hiếm gặp khác có thể là đau hoặc viêm khớp, nổi hạch ở vùng đầu và cổ, viêm kết mạc. Thời kỳ ủ bệnh, không triệu chứng trung bình từ 12 đến 23 ngày. Có tới một nửa số trường hợp nhiễm Rubella trong  giai đoạn ủ bệnh , dù ở mẹ chưa có triệu chứng gì nhưng vẫn có thể gây nhiễm trùng thai nhi nghiêm trọng (McLean, 2013, Zimmerman, 2012).

Virut Rubella có thể gây nguy hiểm gì cho thai nhi?

Rubella là một trong những loại virut nguy hiểm nhất, gây nhiều di chứng nhiễm trùng bào thai nặng nề nhất trong số các bệnh truyền nhiễm thông thường (Adams Waldorf, 2013).

Trong số phụ nữ mang thai bị nhiễm Rubella và phát ban trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, có tới 90% trường hợp thai nhi bị nhiễm Rubella bẩm sinh (Miller, 1982, Zimmerman, 2012).  Ở tuổi thai từ 13 đến 14 tuần, tỉ lệ này là 54%. Vào 3 tháng giữa thai kỳ, tỷ lệ này là 25%.  Rất hiếm gặp dị tật thai nhi ở những trường hợp mẹ nhiễm bệnh ở tuổi thai trên 20 tuần (Miller, 1982).

Vì vậy, khi phát hiện mình có các triệu chứng của bệnh, các bà bầu cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên ngành Sản- Phụ khoa để được khám, tư vấn và theo dõi diễn biến của bệnh và sức khỏe của thai nhi tránh những di chứng cho mẹ và thai.

Vậy Rubella bẩm sinh là gì?

Hội chứng rubella bẩm sinh là tập hợp những tổn thương ở thai nhi gây nên do nhiễm virut Rubella trong bụng mẹ, bao gồm một hoặc nhiều biểu hiện như:

  • Các khuyết tật về mắt: đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp bẩm sinh, bệnh võng mạc sắc tố…
  • Các khuyết tật tim bẩm sinh, còn ống động mạch…
  • Điếc bẩm sinh – là một khiếm khuyết phổ biến nhất.
  • Các dị tật ở hệ thống thần kinh trung ương như: chậm phát triển trị tuệ, chậm phát triển tâm thần, và bệnh viêm não- màng não mãn tính.
  • Thiếu ngón, chi bẩm sinh….
  • Bệnh gan và vàng da bẩm sinh….
  • Bệnh xương khớp bẩm sinh

Bên cạnh đó, trẻ được sinh ra với bệnh Rubella bẩm sinh có thể phát tán Virut  trong nhiều tháng sau sinh. Vì vậy, có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khác và những người lớn nhạy cảm khi tiếp xúc.

Phải làm gì để điều trị và phòng ngừa Rubella?

Với những bà mẹ đang nhiễm virut Rubella, vẫn chưa có loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu được Virut. Vì thế, việc điều trị khi mắc bệnh chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng và theo dõi sản phụ và thai nhi để có hướng xử trí kịp thời.

Do đó, để phòng ngừa ảnh hưởng xấu của virut Rubella cho thai kỳ, tiêm  Vắc- xin phòng Rubella vẫn là phương pháp hiệu quả nhất.

Vắc- xin Rubella là gì? Các chị em nên tiêm Vắc- xin vào thời điểm nào?

Vắc- xin Rubella là một chế phẩm có chứa Virut Rubella sống đã được làm yếu đi, được đưa vào cơ thể nhằm tạo miễn dịch đặc hiệu của cơ thể với loại Virut này.

Vì đây là một loại Vắc-xin sống- giảm độc lực nên các chị em cần lên kế hoạch tiêm Vắc- xin sớm nhất có thể. Thời điểm tiêm phòng Vắc- xin Rubella tốt nhất là cách thời điểm mà chị em muốn mang thai càng xa càng tốt, tối thiểu là 1 tháng.

Tuy vậy,  không có bằng chứng cho thấy Vắc-xin gây ra các dị tật ở  thai nhi nếu bà mẹ vô tình có thai trong khoảng thời gian tiêm Vắc xin (Badilla, 2007, McLean, 2013). Và tiêm vắc xin Rubella không phải là lý do bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ.

Những bà mẹ vô tình có thai vào khoảng thời gian tiêm Vắc- xin thì vẫn có thể tiếp tục theo dõi thai kỳ ở những cơ sở khám và quản lý thai đáng tin cậy.

Mặc dù sau khi nhiễm bệnh hoặc được tiêm Vắc xin, cơ thể mẹ sẽ có khả năng miễn dịch với Virut này, nhưng bà mẹ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trở lại nếu bị tiếp xúc với lượng Virut quá lớn hoặc trong đợt bùng phát của bệnh. Vì vậy, kể cả khi đã được tiêm phòng trước đó, bà bầu vẫn cần thật thận trọng, tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh đặc biệt là vào mùa bùng phát của dịch.

Qua những thông tin nêu trên, chúng tôi hy vọng các chị em sẽ có được những hiểu biết cần thiết để chuẩn bị cho hành trình mang thai của mình. Chúc các mẹ một năm mới an khang, thịnh vượng và dồi dào sức khỏe!!!

Bs. Nguyễn Công Điệp