Ngày 07/09/2021, Khoa Sản – Nhi Viện Y Học Biển đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.H 39 tuổi đến khám với biểu hiện: chậm kinh 3 tuần, đau bụng hạ vị ngày thứ 8. Sau khi được khám và hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán là: Chửa ngoài tử cung đoạn kẽ bên Phải – thai 6 tuần.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ của Khoa Sản Nhi – Viện Y học biển Việt Nam đã tiến hành phẫu thuật nội soi khâu cầm máu cho bệnh nhân. Đây là phương pháp can thiệp điều trị nhằm mục đích cầm chảy máu tổn thương qua nội soi. Biện pháp này có thể áp dụng cho tổn thương ở bất kể vị trí nào trong quá trình nội soi với ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, có thể áp dụng dễ dàng.
Các Bác sĩ đã lấy được toàn bộ tổ chức rau thai sau khi khâu cầm máu qua nội soi.
Sau khi phẫu thuật tình trạng bệnh nhân ổn định và được chăm sóc tại phòng hậu phẫu với đầy đủ dịch vụ. Bệnh nhân đã được xuất viện vào ngày 11/9/2021.
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung, thai “lạc chỗ” hiện tượng xảy ra khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài buồng tử cung như: vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,…thậm chí là ở đoạn kẽ của tử cung.
Chiếm tỉ lệ 1 – 2 % thai nghén, thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm ở ba tháng đầu thai kỳ. Bởi túi thai không được buồng tử cung bảo vệ, dẫn tới rất nhiều những hệ lụy cho thai phụ khi không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thai khoảng 6 tuần, đã có tim thai.
Thế nào là thai ngoài tử cung đoạn kẽ?
Một trong những trường hợp hiếm gặp của thai ngoài tử cung là thai ở vị trí đoạn kẽ, thai đóng ở đoạn kẽ ống dẫn trứng. Trung bình khoảng 200.000 phụ nữ mang thai có 1 phụ nữ mắc phải tình trạng này.
Thai đoạn kẽ gây ra thách thức lớn cho các bác sỹ không chỉ ở giai đoạn điều trị mà còn ở giai đoạn chẩn đoán. Sẽ rất khó để xác định thai trong tử cung nhưng nằm ở vị trí góc và có thể dưỡng thai hay thai ngoài tử cung ở đoạn kẽ để điều trị chấm dứt thai kỳ.
Khối chửa ngoài nằm ở đoạn kẽ tử cung – hay được gọi là góc sừng tử cung.
U nang buồng trứng là một khối chứa dịch lỏng (có thể bao gồm các thành phần khác như da, lông, tóc, xương, răng…) nằm trong buồng trứng. Nhiều người bệnh thường rất lo lắng không biết u nang buồng trứng có nguy hiểm không? Thật ra, hầu hết các u nang buồng trứng đều vô hại và sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Các dạng u nang buồng trứng có thể bao gồm u nang cơ năng (bình thường, không liên quan đến bệnh tật – Tự biến mất sau 3 tháng), u nang bì, u nang nội mạc tử cung, u nang tuyến.
Những ai thường mắc phải u nang buồng trứng?
U nang buồng trứng khá phổ biến ở phụ nữ thuộc bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, u nang ít khi xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh.
Đa phần bệnh nhân có cu nang buồng trứng đều không có dấu hiệu và triệu chứng cụ thể. Chỉ tình cờ khám sức khỏe và phát hiện ra u nang buồng trứng.
Đôi khi u nang buông trứng có những biểu hiện sau (Biểu hiện mơ hồ và không điển hình) :
(Khối u buồng trứng to như có thai 9 tháng được mổ tại Viện Y học Biển)
Cảm giác nặng, căng, tức vùng bụng dưới, mót rặn
Đau tức vùng chậu; đau vùng thắt lưng
Gặp khó khăn tiểu tiện và đại tiện: mót tiểu hoặc mót rặn, phân dẹt;
Đau khi quan hệ tình dục;
Tăng cân không rõ nguyên nhân;
Đau trong chu kỳ kinh nguyệt;
Chảy máu âm đạo bất thường;
Căng tức ngực;
Nếu u nang vỡ, bệnh nhân có thể trải qua những cơn đau nghiêm trọng. Nếu u nang gây xoắn buồng trứng, bệnh nhân có thể bị đau bụng dữ dội đi kèm buồn nôn hoặc nôn.
Khi bị u nang buồng trứng cần làm gì?
Khi bạn bị u nang buồng trứng mà mới phát hiện lần đầu tiên, bạn sẽ được tư vấn làm thêm một số chỉ dấu sinh học loại trừ ung thư như CEA, CA125, AFP và Beat HCG, Có thể làm thêm chụp CT ổ bụng để tìm giới hạn khối u hoặc di căn nếu có. Nếu tất cả những xét nghiệm trên hoàn toàn bình thường, khối u không quá lớn. Bạn sẽ được tư vấn theo dõi thêm 03 chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu sau 03 chu kỳ kinh nguyệt bạn khám lại vẫn còn khối u thì đây là lúc bạn được tư vấn phẫu thuật bóc khối u.
Phẫu thuật bóc khối u sẽ được làm như thế nào?
Bạn sẽ được bác sĩ thảo luận phương pháp mổ phù hợp: mổ mở hay mổ nội soi, đường mổ ở đâu, phương pháp mổ là bóc khối u hay cắt buồng trứng? Thông thường bạn sẽ được tư vấn mổ nội soi bóc khối u và bảo tồn tối đa phần lành của buồng trứng.
Ngay sau mổ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ được xem khối u, các thành phần khối u, ảnh chụp lúc mổ (nếu có). Sau đó các thành phần của khối u sẽ được chuyển đến khoa xét nghiệm để làm xét nghiệm tế bào học.
Tôi cần làm gì để hạn chế bệnh u nang buồng trứng?
Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
Không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ;
Lưu ý chu kỳ kinh nguyệt và báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ bất thường nào xuất hiện.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khoa Sản Nhi Viện Y học Biển ngay tại đây để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Phụ nữ trưởng thành nên đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Tuy tỷ lệ u buồng trứng là ung thư không nhiều, nhưng đây là loại ung thư có độ ác tính cao và thường không có triệu chứng gì trong giai đoạn sớm, chỉ có thể được phát hiện qua khám định kỳ kết hợp siêu âm. Ngoài ra, khám phụ khoa định kỳ rất có lợi vì không chỉ tầm soát u buồng trứng mà còn kiểm tra luôn ung thư cổ tử cung và ung thư vú – vốn là những vị trí ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.
U xơ tử cung hay còn gọi là hoặc u cơ trơn tử cung, là các khối u lành tính phổ biến, thường xảy ra ở trên hoặc trong thành cơ tử cung. Cấu tạo u xơ tử cung là tổ chức liên kết và cơ trơn tử cung.
(Khối u xơ tử cung to như bụng có thai 5 tháng mổ tại Viện Y học Biển)
Có các hình thái u xơ tử cung sau:
U xơ dưới thanh mạc: phát triển từ tử cung và hướng ra phía ngoài
U xơ trong cơ tử cung: loại u này phát triển từ trong thành tử cung và có thể làm cho tử cung to lên
U xơ dưới niêm mạc: đây là loại u phát triển về phía nội mạc tử cung và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn, do đó dẫn đến rong kinh băng kinh, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh và sẩy thai
Khối u nhỏ sẽ không gây ra triệu chứng nhưng khối u lớn có thể gây mất máu và làm người bệnh chảy máu nhiều hơn trong kỳ kinh nguyệt. Khối u lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang và làm cho bụng người bệnh to ra như đang mang thai.
(Khối u xơ tử cung trong mổ nội soi)
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u xơ tử cung là gì?
Khoảng 30 đến 50% trường hợp bị u xơ không gây ra triệu chứng rõ rệt. Nếu có, các triệu chứng thường liên quan đến kích cỡ và vị trí u xơ. Các triệu chứng phổ biến của u xơ tử cung là:
Rong kinh (kỳ kinh kéo dài) và cường kinh (ra nhiều máu trong một chu kỳ)
Đau hay cảm giác tức ở vùng chậu
Đau khi giao hợp
Đi tiểu thường xuyên do áp lực của u xơ tử cung lên bàng quang
Táo bón hoặc đầy hơi
Bụng to.
Trường hợp có u xơ trong lúc mang thai có thể sẽ gây ra một số biến chứng trong quá trình mang thai. Các khối u sẽ làm bong nhau thai sớm làm cho bào thai thiếu máu nuôi. Các khối u sẽ làm dịch chuyển vị trí của bào thai, làm cho người mẹ khó sinh tự nhiên do u tiền đạo hoặc ngôi thai bất thường làm tăng tỉ lệ sinh mổ. Hầu hết các trường hợp u xơ khi mang thai vẫn có quá trình phát triển thai bình thường. Tuy nhiên, các khối u sẽ lớn nhanh hơn trong lúc mang thai.
Đến viện gặp bác sĩ ngay khi bạn có những dấu hiệu sau:
Khám thấy khối u lớn (từ 4cm trở lên)
Đau vùng chậu không giảm
Rong kinh, cường kinh hoặc thống kinh
Rỉ máu hoặc chảy máu ngoài kỳ kinh
Đau khi quan hệ
Tử cung và bụng lớn lên
Tiểu khó.
Nếu phải phẫu thuật bạn sẽ được làm gì?
Trước khi phẫu thuật bác sĩ sẽ thảo luận cùng bạn để lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp như: Bóc u hay cắt tử cung? Cắt tử cung bán phần hay cắt tử cung hoàn toàn? mổ nội soi hay mổ mở? Hoặc các lựa chọn khác nếu có? Các nguy cơ và lợi ích của từng phương pháp trên?
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần tư vấn về U xơ tử cung xin vui lòng liên lạc với Khoa Sản Nhi Viện Y học Biển để được khám, tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Viện Y học Biển trân trọng được phục vụ các bạn.
Kính chào bác sĩ Em đang dự định sinh em bé đầu lòng, em có nghe nói phụ nữ trước khi mang thai 3 tháng, mỗi ngày nên uống 400 mcg acid folic. Bác sĩ cho em hỏi, em có thể uống thuốc folacid 5mg được không ạ? P Bác sĩ có thể tư vấn giúp em nên uống loại thuốc nào để tốt cho phụ nữ dự định có thai? Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ. Trả lời :
Chào em,
Acid folic hay còn gọi là vitamin B9 là một vi chất thuộc vitamin nhóm B rất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào cũng như sự hình thành của tế bào máu, acid folic tham gia vào việc sản xuất các tế bào hồng cầu, phòng ngừa thiếu máu, giúp ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh ở trẻ như tật nứt đốt sống.
Các nghiên cứu và chuyên gia y tế khuyến cáo bổ sung 400 mcg – 1000 mcg (0,4mg – 1mg) acid folic mỗi ngày, bắt đầu từ ít nhất 1 – 3 tháng trước khi mang thai và trong khi mang thai, có thể uống viên kết hợp sắt và acid folic.
Em cũng có thể bổ sung acid folic qua chế độ ăn uống hàng ngày. Acid folic có nhiều trong lòng đỏ trứng, các loại đậu đặc biệt là đậu nành, măng tây, bông cải, quả bơ và các loại rau có màu xanh thẫm….
Cuộc chuyển dạ đẻ thường diễn ra ở tuần thứ 37 đến 41 của thai kỳ. Chuyển dạ là một quá trình sinh lý và kéo dài. Tuy nhiên, với các cặp vợ chồng thì thường rất “Rối rắm” khi thấy có dấu hiệu chuyển dạ. Vì vậy, chuẩn bị đồ đạc trước khi đi đẻ là một khâu quan trọng để sẵn sàng lên đường đến Viện một cách nhanh nhất. Nếu bạn chọn sinh kể cả sinh thường hay sinh mổ ở Y học Biển thì sau đây là danh sách đồ dùng cần mang theo khi đến sinh:
Đồ dùng cho mẹ:
– 01 bộ quần áo rộng rãi để mặc khi ra viện
– Bỉm mama + quần lót giấy
– Bỉm to caryn (02 cái)
– Giấy khô (01 cuộn)
– Giấy ướt (01 hộp) (để vệ sinh cho mẹ và bé)
– Sữa đặc, cốc, ống hút (01 cốc)
– Phích nước nóng (có thể thuê ở căng tin)
Đồ dùng cho con:
– 01 bộ quần áo, mũ, bao tay, bao chân, tã chéo mặc khi ra viện
– Bỉm con (tã dán sơ sinh)
– Sữa cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi (01 hộp nhỏ để uống thêm trong ngày đầu tiên khi mẹ chưa có đủ sữa)
– Bình sữa, cốc, thìa nhỏ
Với những sản phụ có nhu cầu đăng ký dịch vụ đẻ VIP, đề nghị liên lạc trực tiếp với Viện Y học Biển để được tư vấn trực tiếp.
Phẫu thuật nội soi trong phụ khoa là hình thức sử dụng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu – vì các thủ thuật ít xâm lấn hơn thường có nghĩa là thời gian hồi phục ngắn hơn. Bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường nhanh hơn. Đồng thời thường không có tổn hại nào đáng kể: Tỷ lệ thành công mong đợi của thủ thuật này phải tương đương hoặc thậm chí cao hơn so với thủ thuật phẫu thuật mở.
Phẫu thuật nội soi được coi là phẫu thuật của tương lai. Ngày nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phẫu thuật nội soi được triển khai ở nhiều chuyên khoa khác nhau, ở mỗi chuyên khoa đều liên tục có những “đỉnh cao mới” trong việc áp dụng kỹ thuật nội soi. Trong tương lai, phẫu thuật nội soi còn được nâng cấp lên một tầm cao mới đó là “Nội soi với Robot” – một hình thức phẫu thuật mà phẫu thuật viên làm việc ở xa bàn mổ, thao tác trước một màn hình máy tính.
Vậy câu hỏi đặt ra là ứng dụng của phẫu thuật nội soi trong phụ khoa là gì?
(Câu trả lời chỉ đúng ở thời điểm hiện tại, vì từng ngày, từng giờ các phẫu thuật viên đều tìm tòi và ứng dụng nội soi để thực hiện các phẫu thuật và trước kia hoặc hôm nay cho là KHÔNG THỂ)
1. Nội soi chẩn đoán và điều trị: Để chẩn đoán một số bệnh gây đau bụng dưới: u nang buồng trứng xoắn, chửa ngoài tử cung, hay loại trừ một số bệnh thuộc buồng trứng, vòi trứng hoặc tử cung.
2. Vô sinh: Mục đích tìm và điều trị nguyên nhân thực thể tại tử cung – vòi trứng hoặc viêm nhiễm tại vùng bụng dưới.
3. Điều trị chửa ngoài tử cung: Có thể bảo tồn vòi trứng (có điều kiện với nguy cơ thực tế và không phải trường hợp nào cũng có thể bảo tồn) hoặc cắt vòi trứng
4. Phẫu thuật U xơ tử cung: Bao gồm các lựa chọn: bóc khối u bảo tồn tử cung, cắt tử cung bán phần, cắt tử cung hoàn toàn…(mỗi lựa chọn đều có lợi ích và nguy cơ khác nhau, bệnh nhân sẽ được thảo luận với phẫu thuật viên để có lựa chọn phù hợp với từng người)
5. Điều trị u buồng trứng lành tính: Bao gồm các lựa chọn: bóc khối u bảo tồn buồng trứng hoặc cắt bỏ buồng trứng. Quan điểm hiện nay là bảo tồn tối đa phần lành buồng trứng cho người phụ nữ.
6. Bệnh lạc nội mạc tử cung: Tùy vị trí lạc nội mạc tử cung mà có xử trí phù hợp
7.Nội soi cắt tử cung: Khi u xơ tử cung có biến chứng, khi viêm vùng chậu mãn tính, ung thư niêm mạc tử cung và (hoặc buồng trứng) giai đoạn I
8. Phẫu thuật bệnh lý sàn chậu: Điều trị sa sinh dục bằng đặt lưới treo nâng tử cung vào mỏm nhô.
9. Xử lý các bệnh ác tính giai đoạn sớm tại tử cung – phần phụ (bao gồm cắt tử cung triệt để và vét hạch chậu hai bên)