0225.3.519.687

Tiền sản giật – mối nguy khó lường với mẹ bầu

Tổng quan

Tiền sản giật là một dạng biến chứng trong thai kỳ. Tiền sản giật có thể khiến mẹ bị tăng huyết áp, tăng đạm trong nước tiểu làm tổn thương thận hoặc các cơ quan nội tạng khác. Tiền sản giật thường xảy ra vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ với các mẹ có tiền sử bệnh huyết áp.

Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hoặc nguy hiểm tới sinh mạng của sản phụ và thai nhi.

Mẹ bị tiền sản giật sẽ được khuyến cáo để các bé ra đời sớm. Trước thời điểm sinh mẹ sẽ được điều trị bằng thuốc có giám sát để ổn định huyết áp.

Tiền sản giật có thể phát triển ngay cả khi mẹ đã sinh con. Triệu chứng này gọi là tiền sản giật hậu sản.

Triệu chứng

Dấu hiệu của tiền sản giật là tăng huyết áp, tăng protein trong nước tiểu. Đôi khi mẹ không cảm thấy triệu chứng nào đặc biệt cho đến khi đi khám thai, làm các xét nghiệm định kỳ.

Cùng với tăng huyết áp, các triệu chứng tiền sản giật còn là:

  • Giảm tiểu cầu trong máu.
  • Tăng enzyme gan.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Thị giác suy giảm.
  • Thở khó khăn.
  • Đau tức thượng vị.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Tăng cân đột ngột.

Nguyên nhân

Tiền sản giật sinh ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các chuyên gia cho rằng bệnh này bắt nguồn từ nhau thai. Ở thời kỳ đầu thai kỳ, các mạch máu mới được hình thành để cung cấp ô xy và dưỡng chất cho nhau thai. Với các mẹ bị tiền sản giật, các mạch máu này hình thành không đủ và hoạt động không hiệu quả. Bởi vậy huyết áp của mẹ sẽ không được ổn định.

 

 

Nguy cơ

Các nguy cơ gây ra tiền sản giật bao gồm:

  • Mẹ từng bị tiền sản giật trong lần mang thai trước.
  • Mang bầu nhiều bé một lúc.
  • Mắc tiểu đường mãn tính
  • Mắc tiểu đường trước khi mang thai.
  • Có bệnh về thận.
  • Rối loạn hệ miễn dịch.
  • Thừa cân.
  • Gia đình có người tiền sử tiền sản giật.
  • Mang thai sau tuổi 35.
  • Mang thai cách lần trước hơn 10 năm.
  • Có biến chứng trong lần mang thai trước.

Biến chứng:

  • Thai nhi chậm phát triển: tiền sản giật khiến cho các mạch máu cung cấp cho nhau thai hình thành không đầy đủ, làm thai nhi thiếu dưỡng chất nên chậm phát triển.
  • Sinh sớm: tiền sản giật có thể gây ra sinh sớm trước 37 tuần.
  • Bong nhau thai: một trong những biến chứng của tiền sản giật là nhau thai bong ra khỏi thành tử cung trước khi sinh. Biến chứng này gây chảy máu mạnh và làm nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé.
  • Bị thiếu máu tán huyết tăng men gan giảm tiểu cầu (HELLP) là một biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng và có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh mãn tính.

Phòng chống:

  • Sử dụng thuốc: bác sĩ có thể chỉ định dùng aspirin liều thấp hàng ngày đối với các mẹ có một trong những nguy cơ cao hoặc vài dấu hiệu nguy cơ vừa của tiền sản giật. Các mẹ cần lưu ý rằng sử dụng thuốc luôn phải theo chỉ định của bác sĩ.
  • Có lối sống lành mạnh, tập thể thao nhẹ đều đặn, ăn uống đủ chất, có giấc ngủ hợp lý.

Cùng tìm hiểu về phương pháp Ferber trong rèn luyện giấc ngủ cho trẻ

Phương pháp Ferber là cách rèn luyện giấc ngủ cho trẻ đã được sử dụng trong ba thập kỷ. Mục đích chính để giúp bé luyện được kỹ năng ngủ một mình mà không cần bồng bế, dỗ nựng hoặc có thể tự ngủ trở lại nếu đột ngột tỉnh giấc.

Phương pháp Ferber được phát minh bởi tiển sĩ Richard Ferber. Nội dung phương pháp này là sự cải tiến của phương pháp Cry it out (CIO). Trước đây để rèn luyện giấc ngủ cha mẹ sẽ rời khỏi phòng và không quay trở lại cho đến khi bé tự ngủ say, kể cả khi bé khóc một khoảng thời gian dài. Trong phương pháp Ferber, ba mẹ sẽ quay lại dỗ bé khí bé khóc nhưng giãn dần thời gian ra.

Phương pháp Ferber được thực hiện như sau:

  • Ba mẹ đặt bé xuống giường trong tình trạng ngái ngủ.
  • Chúc bé ngủ ngon rồi rời khỏi phòng.
  • Nếu bé khóc đòi mẹ thì đợi một khoảng thời gian nhất định rồi mới quay lại phòng. Ba mẹ sẽ vỗ về và nói chuyện âu yếm với bé nhưng tuyệt đối không bế bé lên.
  • Rời khỏi phòng và lặp lại chu trình trên với thời gian chờ đợi tăng dần.

Độ tuổi phù hợp để thực hiện phương pháp Ferber?

Thông thường khi bé khoảng 5 đến 6 tháng tuổi là phù hợp để bắt đầu rèn luyện giấc ngủ. Lúc này bé đã đủ lớn để ngủ một giấc xuyên đêm mà ít cần thức giấc đòi ăn giữa chừng.

Bảng kế hoạch thực hiện phương pháp Ferber:

Ngày 1:

  • Lần quay lại dỗ bé thứ nhất: sau 3 phút
  • Lần thứ hai: sau 5 phút
  • Lần thứ ba trở đi: sau 10 phút

Ngày 2:

  • Lần thứ nhất: sau 5 phút
  • Lần thứ hai: sau 10 phút
  • Lần thứ ba trở đi: sau 12 phút

Ngày 3:

  • Lần thứ nhất: sau 10 phút
  • Lần thứ hai: sau 12 phút
  • Lần thứ ba trở đi: sau 15 phút

Ngày 4:

  • Lần thứ nhất: sau 12 phút
  • Lần thứ hai: sau 15 phút
  • Lần thứ ba trở đi: sau 17 phút

Ngày 5:

  • Lần thứ nhất: sau 15 phút
  • Lần thứ hai: sau 17 phút
  • Lần thứ ba trở đi: sau 20 phút

Ngày 6:

  • Lần thứ nhất: sau 17 phút
  • Lần thứ hai: sau 20 phút
  • Lần thứ ba trở đi: sau 25 phút

Ngày 7:

  • Lần thứ nhất: sau 20 phút
  • Lần thứ hai: sau 25 phút
  • Lần thứ ba trở đi: sau 30 phút

Thông thường sau tối đa 7 ngày là bé sẽ có thói quen ngủ tự giác. Nếu sau 7 ngày bé vẫn khóc rất nhiều thì ba mẹ có thể tạm ngưng và thử lại một lần khác hoặc một liệu pháp khác sẽ nói ở những bài sau.

Các mẹo khi sử dụng phương pháp Ferber:

  • Rèn luyện giấc ngủ là việc quan trọng nên cần được lựa chọn thời gian phù hợp, ổn định, ít có xáo động. Ví dụ thời điểm bé mọc răng là không phù hợp để luyện ngủ.
  • Trước khi ngủ bé nên được bú no để không bị thức dậy giữa chừng.
  • Tạo không khí dễ chịu cho giấc ngủ của bé bằng các tắm, đọc sách, hát ru. Nên cho bé bú sớm để bé không ngủ trong lúc ăn. Ba mẹ cần đặt bé xuống giường trong trạng thái ngái ngủ chứ không ngủ hẳn để bắt đầu liệu pháp.
  • Chuẩn bị tinh thần cho ba mẹ: ba mẹ nên cùng đồng thuận thực hiện liệu pháp này và chuẩn bị tâm lý vì để cho bé nằm khóc một mình là việc không dễ dàng.

Tiểu đường thai kỳ – những điều cần biết

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường huyết cao xuất hiện trong thời gian mang thai và thường biến mất sau khi sinh bé. Bệnh này có thể xuất hiện vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nhưng phổ biến hơn vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.

Bệnh xảy ra khi cơ thể không sản sinh đủ insulin – là hormone giúp kiểm soát mức đường huyết cho nhu cầu tăng vọt khi mang thai.

Tiểu đường thai kỳ có thể gây biến chứng cho mẹ và bé trong và sau khi mang thai. Tuy nhiên nguy cơ sẽ giảm  đi và được khống chế nếu phát hiện sớm và điều trị hợp lý.

Những ai dễ bị tiểu đường thai kỳ?

Mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ nhưng phổ biến nhất là:

  • Chỉ số cân nặng BMI của mẹ cao hơn 30.
  • Mẹ từng sinh bé trước đó có cân năng 4,5 kg trở lên.
  • Mẹ từng mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước.
  • Cha mẹ hoặc anh chị em của mẹ có tiền sử tiểu đường.

Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ:

Tiểu đường trong khi mang thai thường không gây ra triệu chứng gì đặc biệt và chỉ được phát hiện khi mẹ làm các xét nghiệm đường huyết khi khám định kỳ.

Một số mẹ có thể thấy các triệu chứng khi đường huyết quá cao như:

  • Khát nước nhiều.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Khô miệng.
  • Mệt mỏi.

Tuy nhiên những triệu chứng trên lại phổ biến trong thai kỳ kể cả khi mẹ không bị tiểu đường. Bởi vật nếu thấy nghi ngờ mẹ nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Tiểu đường gây ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?

Đa phần mẹ mắc tiểu đường có thai kỳ không khác bình thường và bé sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên tiểu đường thai kỳ cũng có thể gây một số vấn đề như:

  • Bé của mẹ lớn hơn bình thường khiến cho việc sinh nở gặp khó khăn và cần được hỗ trợ sinh.
  • Gây dư thừa nước ối có thể khiến vỡ ối sớm và biến chứng trong quá trình sinh hạ.
  • Bé sinh sớm trước tuần thứ 37.
  • Tăng huyết áp trong khi sinh khiến cho cuộc sinh nở phức tạp hơn.
  • Bé bị đường huyết thấp, vàng da, vàng mắt sau khi sinh đòi hỏi điều trị trong viện.
  • Hiếm hoi sẽ có trường hợp thai lưu.
  • Mẹ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 trong tương lai.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:

Trong lần khám thai đầu tiên vào khoảng tuần thứ 8 đến tuần 12, bác sĩ sẽ hỏi và tư vấn cho mẹ về nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Nếu mẹ thấy mình có nguy cơ thì nên đăng ký làm xét nghiệm dung nạp gluco. Quá trình xét nghiệm thông thường mất khoảng 2 giờ để có kết quả.

Mẹ nên nhịn ăn và làm xét nghiệm vào buổi sáng, ăn bữa cuối cùng không muộn hơn 10 giờ đêm hôm trước. Khi làm xét nghiệm mẹ sẽ được lấy mẫu máu và uống nước glucose. Sau 2 giờ nghỉ ngơi bác sĩ sẽ lấy máu lần nữa để so sánh khả năng hấp thụ glucose của cơ thể, qua đó biết được mẹ có bị tiểu đường hay không.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nên được làm vào tuần thứ 24 tới 28. Nếu mẹ có tiền sử tiểu đường thai kỳ thì nên làm test sớm hơn khoảng tuần 8 đến 12. Sau đó làm thêm một lần nữa vào tuần 24-28.

Điều trị tiểu đường thai kỳ

Nếu mẹ mắc tiểu đường thai kỳ, kiểm soát đường huyết sẽ giúp phòng tránh các biến chứng khi mang thai. Mức đường huyết có thể giảm đi nhờ thay đổi chế độ ăn và tập luyện. Nếu không có hiệu quả mẹ có thể được cho sử dụng một số loại thuốc uống hoặc tiêm insulin.

Nếu tiểu đường gây tác động lên sức khỏe của bé, mẹ sẽ được khuyến cáo sinh bé trước tuần thứ 41 bằng cách kích thích sinh thường hoặc sinh mổ.

Tác động lâu dài của tiểu đường thai kỳ:

Thông thường tiểu đường thai kỳ sẽ tự biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên một số tác động về lâu dài có thể đến như:

  • Tiểu đường thai kỳ tái lại khi mang thai lần tiếp theo.
  • Mắc tiểu đường type 2.

Mẹ nên làm xét nghiệm đường huyết trong khoảng 6 tới 13 tuần kể từ khi sinh và mỗi lần một năm sau đó. Nếu mẹ thấy các triệu chứng tiểu đường đã nói ở trên thì cần làm test ngay mà không đợi đến đúng kỳ hạn.

Mẹ cũng nên giữ cân nặng ổn định, ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên để phòng tránh bệnh tiểu đường.

Bệnh viêm nhiễm âm đạo trong thời gian mang thai: nguyên nhân và cách phòng tránh

1 Viêm nhiễm âm đạo là gì?

Viêm âm đạo là chứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Thông thường âm đạo có sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi lactobacilli và vi khuẩn có hại anaerobes. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ sẽ gây ra bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn anaerobes gia tăng.

Viêm âm đạo là bệnh thường gặp khi mang thai. Bệnh này có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc. Nếu không điều trị, viêm âm đạo có thể làm ảnh hưởng tới quá trình sinh nở.

2 Triệu chứng của viêm âm đạo?

Khoảng 50 tới 75% phụ nữ bị viêm âm đạo mà không có triệu chứng rõ rệt. Những triệu chứng thường gặp của viêm âm đạo là: có dịch trắng nhờ, mùi khó chịu, đau rát khi quan hệ, ngứa kích ứng âm đạo.

3 Nguyên nhân gây ra viêm âm đạo khi mang thai?

Thông thường vi khuẩn lactobacilli sẽ kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn anaerobes. Khi một nguyên nhân nào đó làm cho vi khuẩn lactobacilli giảm đi, vi khuẩn anaerobes sẽ sinh sôi và tiết ra các chất hóa học gây ngứa, hình thành dịch… Sự thay đổi hormone trong khi mang thai cũng có thể là một nguyên nhân làm giảm lượng vi khuẩn lactobacilli. Ngoài ra các nguyên nhân phổ biến khác là: dùng kháng sinh, thụt rửa âm đạo, quan hệ tình dục không an toàn…

4 Viêm âm đạo ảnh hưởng thế nào đến quá trình mang thai và sinh nở?

Bệnh viêm âm đạo có thể gây nhiều bất tiện cho mẹ trong thời gian mang thai bởi triệu chứng ngứa, rát. Viêm âm đạo cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo có thể sinh sớm, sinh con thiếu cân và dễ mắc nhiều chứng viêm nhiễm khác sau khi sinh.

5 Điều trị viêm âm đạo như thế nào?

Viêm âm đạo thường được điều trị bằng kháng sinh. Mẹ có thể dùng loại uống qua đường miệng hoặc thuốc đặt âm đạo. Quan trọng hơn cả, mẹ cần được bác sĩ thăm khám và cho liệu trình điều trị. Triệu chứng viêm âm đạo thường sẽ chấm dứt sau khoảng hai đến ba ngày kể từ khi dùng thuốc. Tuy nhiên một liệu trình điều trị kéo dài khoảng 1 tuần. Mẹ cần lưu ý không tự ý ngừng sử dụng thuốc trước khi hết liệt trình để phòng trường hợp tái nhiễm khuẩn. Nếu bị tái nhiễm khuẩn thì quá trình điều trị sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Bệnh trầm cảm tiền sản: triệu chứng và cách điều trị

Trong thời gian mang thai mẹ có thể mắc trầm cảm gọi là trầm cảm tiền sản. Nếu trầm cảm tiền sản không được điều trị thì các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và sau khi bé ra đời sẽ chuyển hóa thành trầm cảm hậu sản. Bởi vậy việc được hỗ trợ điều trị khi trầm cảm là rất quan trọng.

Triệu chứng:

Việc tâm trạng thay đổi khi mang thai rất thường xảy ra. Tuy nhiên nếu mẹ luôn trong tình trạng buồn bã, tuyệt vọng và không còn hứng thú với bất cứ điều gì thì là lúc mẹ nên nói chuyện với bác sĩ

Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm tiền sản bao gồm:

  • Luôn cảm thấy buồn bã, tâm trạng xấu, muốn rơi nước mắt.
  • Dễ mất kiên nhẫn, hay giận dữ.
  • Mất hứng thú với người khác và với thế giới xung quanh.
  • Không muốn ăn hoặc ăn nhiều bất thường.
  • Nhiều suy nghĩ tiêu cực.
  • Cảm thấy tội lỗi, vô vọng, tự đổ lỗi cho bản thân.
  • Mất khả năng tập trung và ra quyết định.

Điều trị:

Nếu mẹ cảm thấy mình có dấu hiệu của trầm cảm tiền sản thì cần nói chuyện ngang với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Đa số mọi người có thể khống chế được những triệu chứng trầm cảm nếu được giúp đỡ đúng lúc, kịp thời.

Tự giúp bản thân: là một số phương pháp mà bác sĩ tâm lý có thể khuyến khích mẹ sử dụng để tâm trạng trở nên tốt hơn. Bao gồm:

  • Tâm sự về những gì mẹ cảm thấy với bạn bè, người thân, bác sĩ tâm lý.
  • Tập cách thở dài và sâu khi mẹ cảm thấy cảm xúc bị quá tải.
  • Vận động nhiều hơn trong khả năng có thể để tăng cảm xúc tích cực và dễ ngủ hơn.
  • Đến các lớp tiền sản để gặp gỡ, giao lưu với các mẹ khác.
  • Ăn những bữa lành mạnh.

Điều trị tâm lý: bác sĩ có thể khuyến cáo mẹ tham gia điều trị tâm lý, có thể gặp gỡ chuyên gia trực tiếp hoặc trò chuyện qua hình thức online với máy tính.

Thuốc chống trầm cảm: thuốc chống trầm cảm có thể được khuyến cáo sử dụng cho mẹ nếu mẹ bị trầm cảm trung bình hoặc nặng. Ngoài ra thuốc còn sử dụng khi:

  • Mẹ không muốn điều trị tâm lý.
  • Điều trị tâm lý không hiệu quả.
  • Mẹ chủ động muốn dùng thuốc.
  • Việc điều trị cần kết hợp cả thuốc và liệu pháp tâm lý.

Trước khi sử dụng thuốc mẹ cần được bác sĩ thăm khám để không gây ảnh hưởng đến thai kỳ.

Những điều cần biết về cảm lạnh và cúm trong thời gian mang thai

Bị cảm lạnh hoặc cúm trong thời gian mang thai có thể gây ảnh hưởng đến em bé của mẹ. Nếu mẹ đang hoặc sẽ mang thai thì nên được tiêm một mũi vaccine phòng cúm mùa để bảo vệ cả mẹ và bé.

Cảm lạnh khi mang thai

Cảm lạnh là một chứng nhiễm khuẩn thông thường ở mũi, họng, vòm họng. Chứng cảm lạnh có thể gây nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, đau họng và ho nhiều. Cảm lạnh có thể kéo dài khoảng một tuần, cho đến khi cơ thể tiêu diệt hết vi khuẩn xâm nhập.

Cảm lạnh không cần điều trị bằng thuốc, mẹ chỉ cần được nghỉ ngơi ở nhà, uống nhiều nước và sử dụng thuốc giảm đau Paraceramol khi cần là triệu chứng sẽ tự khỏi.

Cúm khi mang thai

Cúm là tình trạng bị lây nhiễm virus qua đường hô hấp. Cúm với cảm lạnh gây ra bới những nhóm virus khác nhau. Thông thường triệu chứng của cúm sẽ kéo dài lâu hơn và nặng hơn. Mẹ có thể bị cảm cúm vào bất cứ thời điểm nào trong năm, đặc biệt là những lúc giao mùa.

Nếu nghi ngờ mình bị cúm khi đang mang thai, mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ. Mẹ bầu có nguy cơ bị biến chứng cao hơn khi nhiễm virus cúm và cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc sẽ có hiệu quả nhất nếu được dùng trong vòng 48 giờ từ khi có triệu chứng.

Thuốc kháng virus tuy không chữa được cúm nhưng có tác dụng:

– Giảm thời gian nhiễm cúm.

– Giảm một số triệu chứng cúm.

– Giảm một số nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Cùng với đó mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi, giữ ấm, bù đủ nước và có thể dùng paracetamol để giảm đau, hạ sốt.

 

 

Sử dụng thuốc trong thời gian mang thai

Lý tưởng nhất là mẹ nên tránh dùng các loại thuốc khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Những vấn đề sức khoẻ như cảm lạnh, đau nhức nhẹ thường không cần đến thuốc. Nếu mẹ cần phải giảm đau thì paracetamol là loại thuốc an toàn để sử dụng. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào mẹ cũng nên xin ý kiến của bác sĩ.

Paracetamol trong thời gian mang thai

Mẹ đang mang bầu có thể dùng paracetamol để giảm những cơn đau trung bình hoặc để hạ nhiệt độ khi sốt. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy paracetamol gây hại cho bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên cần sử dụng paracetamol với liều lượng hợp lý và theo sự chỉ định của bác sĩ.

Vaccine cúm mùa trong thời gian mang thai

Mũi vaccine cúm mùa sẽ giúp bảo vệ cảm mẹ và bé cùng lúc. Mẹ bầu rất dễ bị tổn thương, biến chứng do cúm, đặc biệt là giai đoạn cuối thai kỳ. Các biến chứng phổ biến như:

– Viêm phổi.

– Viêm tai giữa.

– Nhiễm trùng máu.

– Nhiễm trùng ống thần kinh.

– Viêm não.

– Viêm cơ tim.

Nếu mẹ bị cúm khi mang bầu thì có khả năng bé sẽ sinh sớm hoặc sinh thiếu cân , thậm chí ngừng thai hoặc thai lưu.

Vaccine cúm mùa an toàn cho mẹ và bé ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Việc tiêm vaccine thậm chí có thể bảo vệ bé trong 6 tháng đầu đời và không gây nguy hiểm gì khi mẹ cho bé bú.

Vaccine phòng Covid trong khi mang thai

Cũng như vaccine cúm mùa, các loại vaccine phòng Covid – 19 được đám bảo không gây hại cho bà bầu và bé trong bụng. Tình hình dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp nên mẹ hãy tiêm vaccine đủ và đúng thời hạn nhé.

Tìm hiểu về chứng chuột rút thai kỳ

Chứng chuột rút thai kỳ có thể dẫn tới một số bất tiện và lo lắng cho mẹ. Tuy nhiên hiện tượng chuột rút ở đầu giai đoạn mang thai là vấn đề thông thường và hiếm khi là dấu hiệu của bệnh lý. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin cho mẹ về triệu chứng này.

Chuột rút trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai:

Trong tam cá nguyệt thứ nhất, cơ thể mẹ đang chuẩn bị cho sự lớn lên của thai nhi. Sự thay đổi của cơ thể sẽ gây ra một số cơn chuột rút nhẹ và tạm thời, không đáng lo ngại trừ khi cơn đau kéo dài quá lâu và gây ra chảy máu âm đạo.

Khi thai kỳ tiếp diễn, tử cung của mẹ sẽ phát triển lớn lên và sẽ gây ra các cơn chuột rút trung bình ở bụng và vùng lưng dưới. Cảm giác sẽ như bị ép chặt hoặc kéo căng. Dấu hiệu này cũng được xem là thông thường và phổ biến.

Chuột rút còn có thể xảy ra khi mẹ tập thể thao, quan hệ tình dục, nhịn tiểu, đầy hơi…

Chuột rút trong tam cá nguyệt thứ ba:

Mẹ sẽ cảm thấy ít những cơn chuột rút hơn so với tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên những cơn đau có thể sắc và dai dẳng hơn ở vùng bụng dưới. Dù đa phần các cơn chuột rút là bình thường nhưng mẹ cần đề phòng dấu hiệu sinh sớm. Các dấu hiệu sinh sớm đi cùng với chuột rút là: đau nhức tử cung, ra dịch hoặc máu âm đạo, chuột rút liên tục đến hơn năm lần chỉ trong một giờ.

Khi nào thì chuột rút trở nên đáng lo ngại:

Nếu chứng chuột rút diễn ra thường xuyên mẹ nên liên hệ với bác sĩ để kiểm tra. Chuột rút quá thường xuyên có thể là dấu hiệu của chửa ngoài tử cung. Chửa ngoài tử cung có thể gây ra các cơn chuột rút một bên bụng dưới cùng các cơn đau ở cổ, vai gáy và gây khó chịu khi di chuyển vùng xương chậu.

Chửa ngoài tử cung có thể gây nguy hiểm nên mẹ cần liên với bác sĩ khi gặp các dấu hiệu trên.

Giải pháp cho chuột rút thai kỳ:

Thông thường cơn chuột rút có thể khắc phục bằng cách thay đổi tư thế, uống một cốc nước hoặc ngồi nghỉ ngơi.

Đôi khi chuột rút là dấu hiệu của stress. Mẹ nên dành vài phút cho thiền hoặc yoga để cơ thể và tinh thần cùng được thư giãn. Tắm nước ấm, đi dạo, xem chương trình giải trí, hít thở sâu cũng là những cách để cho cơ thể thoải mái.

Những điều cần biết về bệnh thiếu máu thai kỳ

Trong thời gian mang thai cơ thể mẹ cần sản sinh ra nhiều máu hơn để cung cấp cho thai nhi. Nếu mẹ không hấp thu đủ sắt và dưỡng chất thì cơ thể mẹ có thể không tạo ra đủ hồng cầu. Thiếu máu thai kỳ nghĩa là máu không có đủ lượng hồng cầu khoẻ mạnh để vận chuyển Oxy cung cấp cho cơ thể mẹ và bé.

Đa phần các mẹ bầu đều sẽ bị chứng thiếu máu nhưng nguyên nhân thì thiên hình vạn trạng. Chứng thiếu máu sẽ khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, yếu sức. Nếu không được xử lý, thiếu máu có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như sinh sớm.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ một số thông tin hữu ích về chứng thiếu máu thai kỳ:

Các nguyên nhân thiếu máu thai kỳ thường gặp:

Thiếu sắt: thể thiếu máu này xảy ra khi cơ thể không có đủ nguyên tốt sắt để tạo ra hemoglobin. Đây là một protein trong hồng cầu có tác dùng mang Oxy từ phổi đến khắp cơ thể.

– Thiếu vitamin B9: Vitamin B9 có nhiều trong các loại rau xanh đậm. Cơ thể cần Vitamin B9 để thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, bao gồm cả tế bào hồng cầu trong máu.

Trong thời gian mang thai phụ nữ cần bổ sung Vitamin B9. Tuy nhiên nhiều khí chế độ ăn không đảm bảo sẽ gây ra sự thiếu hụt vitamin này. Thiếu vitamin B9 có thể làm bé thiếu cân khi sinh.

– Thiếu vitamin B12: Vitamin B12 cũng hỗ trợ tái tạo hồng cầu. Mẹ bầu thiếu thịt, trứng, sữa trong khẩu phần dễ bị thiếu loại vitamin này. Thiếu hụt Vitamin B12 có thể dẫn đến sinh non.

– Việc mất máu trong và sau khi sinh cũng là tác nhân gây thiếu máu ở sản phụ.

Các nguyên nhân gây ra thiếu máu thai kỳ:

Mọi mẹ bầu đều có nguy cơ thiếu máu vì lượng máu mà cơ thể cần tăng vọt. Tuy nhiên nguy cơ sẽ cao hơn khi:

– Mang thai cùng lúc nhiều bé.

– Mang thai hai lần quá gần nhau.

– Nôn ói nhiều khi bị nghén.

– Mang thai ở tuổi chưa thành niên.

– Chế độ ăn uống không hợp lý.

– Có tiền sử thiếu máu trước khi mang thai.

 

 

Triệu chứng của thiếu máu thai kỳ:

– Da tái, môi và móng tay trắng tái.

– Mệt mỏi yếu sức.

– Choáng váng.

– Khó thở.

– Tim đập nhanh.

Mất tập trung.

Trong giai đoạn đầu của chứng thiếu máu mẹ có thể không thấy những triệu chứng rõ ràng.  Nhiều triệu chứng mẹ có thể trải qua trong thai kỳ kể cả không thiếu máu nên mẹ hãy liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra định kỳ nhé.

Những nguy cơ gây ra bởi thiếu máu thai kỳ

Thiếu máu mà không được điều trị có thể tăng nguy cơ gây ra:

– Bé sinh non hoặc sinh thiếu cân.

– Trầm cảm sau sinh.

– Bé bị chứng thiếu máu.

– Bé chậm lớn.

Thiếu máu do thiếu vitamin B9 mà không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như:

– Sinh non hoặc sinh thiếu cân.

– Bé sinh với tật ở cột sống hoặc não bộ.

– Bé sinh ra bị khiếm khuyết ống thần kinh.

Điều trị chứng thiếu máu:

Khi mẹ xét nghiệm máu bị thiếu máu thai kỳ bác sĩ có thể chỉ định mẹ dùng viên bổ sung sắt hoặc bổ sung vitamin B9, B12.

 

 

Phòng ngừa thiếu máu thai kỳ:

Để phòng thiếu máu thai kỳ mẹ cần hấp thụ đủ sắt cho cơ thể bằng cách có một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh. Mẹ hãy thêm vào khẩu phần 3 bữa một ngày những món giàu sắt như:

– Thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá.

– Rau xanh đậm.

– Đậu, đậu phụ, ngũ cốc

– Trứng

Thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp mẹ hấp thu Sắt dễ dàng hơn:

– Cam, chanh, bưởi.

– Dâu.

– Kiwi

– Cà chua

– Ớt chuông

Mẹ hãy cố gắng ăn thực phẩm vitamin C cùng lúc với thực phẩm giàu sắt.

Các mẹ bầu ăn thuần chay nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn phù hợp và sử dụng viên bổ sung vitamin.

TỔNG QUAN VỀ BỆNH TÁO BÓN KHI MANG THAI

Táo bón là tình trạng gặp khó khăn khi đi đại tiện. Nó xảy ra khi phần thừa của thức ăn đã tiêu hoá xong bị cứng lại và không đi xuống theo đường tiêu hoá. Táo bón thường xuyên xảy ra với người đang mang thai do lượng hormone thai kỳ tăng lên ở tháng thứ hai hoặc thứ ba của tam cá nguyệt đầu tiên. Thông thường táo bón thai kỳ sẽ kết thúc khi mẹ sinh em bé. Để phòng ngừa táo bón mẹ có thể chỉ cần thay đổi đôi chút đơn giản về lối sống.

Táo bón thai kỳ phổ biến ở mức nào?

Khoảng 16 tới 39% mẹ bầu sẽ trải qua tình trạng này. Tình trạng táo bón hay xảy ra vào tam cá nguyệt thứ ba khi thai nhi lớn và nặng gây chèn ép lên xương chậu. Đôi khi mẹ còn có thể bị táo bón đến tận ba tháng sau khi sinh.

Nguyên nhân nào gây ra táo bón thai kỳ?

Thay đổi hormone khi mang thai và thói quen sinh hoạt có thể tăng khả năng gây táo bón thai kỳ. Ngoài ra còn các nguyên nhân như:

– Progesterone: Cơ thể mẹ sản sinh ra nhiều hormone progesterone khi mang thai. Progesterone sẽ làm ruột thả lỏng nên việc tiêu hoá thức ăn sẽ cần nhiều thời gian hơn. Thức ăn ở lại lâu trong cơ thể thì phần bã thải ra sẽ bị khô cứng gây ra táo bón.

– Thai nhi: Thai nhi lớn dần sẽ làm tử cung của mẹ nặng hơn. Sức nặng này sẽ gây áp lực lên ruột và khiến chất thải khó di chuyển trong cơ thể.

– Bổ sung quá nhiều sắt: Sắt là nguyên tố cần thiết để tăng cường tuần hoàn máu cho cơ thể mẹ và thai nhi. Tuy nhiên quá nhiều sắt sẽ làm vi khuẩn đường ruột khó phân giải thức ăn hơn. Uống ít nước cũng sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn do chất thải không được làm mềm.

– Thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn uống và tập luyện của mẹ mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đến việc có bị táo bón hay không. Đa phần các mẹ khi mang bầu không ăn đủ chất xơ, uống không đủ nước hoặc ít tập thể dục nên hệ tiêu hoá hoạt động kém hiệu quả, gây ra táo bón.

 

 

Dấu hiệu của táo bón?

– Mẹ chỉ đi nặng vài lần một tuần.

– Mẹ phải gắng sức khi đi nặng, bị đầy chướng bụng.

– Chất thải cứng và vón cục khiến việc thải ra gây đau.

– Đôi khi táo bón gây ra trĩ hoặc nứt hậu môn

Kiểm soát chứng táo bón thai kỳ như thế nào?

– Ăn 25 tới 30 gram đồ ăn giàu chất xơ hàng ngày sẽ làm chất thải mềm hơn. Đồ ăn nhiều chất xơ bao gồm hoa quả, rau, đậu, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp giảm tình trạng táo bón.

– Uống 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày. Mẹ mang bầu sẽ cần nhiều nước hơn bình thường để hỗ trợ thai nhi và chống táo bón. Mẹ có thể dùng các loại đồ uống sau thay thế nước: sinh tố, trà, nước quả ít đường, sữa ít béo…

– Tập luyện thể dục bình quân 20 tới 30 phút mỗi lần, 3 lần một tuần. Mẹ cần lưu ý rằng vì cân nặng tăng thêm khi mang thai nên những động tác đứng sẽ gây áp lực lên khớp. Tốt hơn cả là tập những bài yoga ngồi nhẹ nhàng trên thảm chuyên dụng.

– Tham khảo bác sĩ để giảm lượng bổ sung sắt sao cho vừa đủ không gây táo bón.

Tìm hiểu về chứng mất ngủ thai kỳ

Chứng mất ngủ, hoặc không có khả năng chìm vào giấc ngủ có thể ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong tam cá nguyệt thứ ba, nó được ước tính ảnh hưởng đến hơn 75% các bà mẹ sắp sinh.

Chứng mất ngủ thường do các nguyên nhân là: lo lắng khi mang thai, tiểu nhiều về đêm hoặc bé trong bụng mẹ quẫy đạp… Ngủ đủ giấc là rất quan trọng để có sức khỏe tốt. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ cũng như cho mẹ một số lời khuyên bổ ích để ngăn ngừa nó khi mang thai.

Mất ngủ là gì?

Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ khiến mẹ khó có thể chìm vào giấc ngủ hoặc ngủ không đủ say vào ban đêm. Vấn đề này cũng có thể khiến mẹ thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại, ngủ không sảng khoái.

Khi nào chứng mất ngủ khi mang thai bắt đầu?

Việc khó ngủ vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ là điều bình thường, nhưng nhiều mom bị mất ngủ bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai đến thứ ba, khi các triệu chứng mang thai khác tăng lên và bé đang phát triển trong bụng khiến việc thoải mái nghỉ ngơi trên giường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ khi mang thai?

Giống như nhiều triệu chứng khó chịu liên quan đến thai kỳ, mất ngủ có thể do thay đổi nội tiết tố. Nhưng cũng có một loạt các yếu tố khác nhau có thể khiến mẹ thao thức thức vào ban đêm, bao gồm:

– Đi tiểu về đêm.

– Ợ nóng, táo bón hoặc ốm nghén

– Đau nhức, bao gồm đau đầu, đau dây chằng hoặc tức ngực.

– Chuột rút ở chân và hội chứng tê chồn chân.

– Những giấc mơ sống động hoặc đáng lo ngại

– Quá trình trao đổi chất tăng lên khiến giữ nhiệt ngay cả khi nằm trên giường.

– Khó có được sự thoải mái với vòng bụng đang phát triển.

– Bé đá, lật và lăn

– Lo lắng trước khi sinh

 

 

Mất ngủ thai kỳ kéo dài bao lâu?

Vì chứng mất ngủ và giấc ngủ bị gián đoạn có thể xuất hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, mẹ có thể phải đối mặt với việc ngủ không ngon trong nhiều tuần và nhiều tháng mà hạn kết thúc nhất định. Mẹ hãy trao đổi chuyện này với bác sĩ trong kỳ khám thai tiếp theo để được giúp đỡ và hướng dẫn.

Mất ngủ khi mang thai có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?

Theo các chuyên gia, việc mẹ mất ngủ khi mang bầu là thường xảy ra và không gây hại cho em. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng hết sức để không lo lắng. Đôi khi buông bỏ những lo lắng này là tất cả những gì cần thiết để giúp mẹ ngủ ngon.

Mất ngủ có hại cho mẹ bầu không?

Những giấc ngủ không đủ giấc liên tục hoặc mãn tính có thể dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ, căng thẳng và trầm cảm. Mất ngủ thường xuyên cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh con quá lớn hoặc quá nhỏ so với tuần tuổi, và các vấn đề về giấc ngủ trong thai kỳ có thể liên quan đến việc chuyển dạ lâu hơn và nhu cầu sinh mổ lớn hơn.

Cách khắc phục chứng mất ngủ khi mang thai

– Rời khỏi giường: Nếu mẹ không ngủ sau khi đặt lưng từ 20 đến 30 phút, hãy thức dậy và làm một việc nhỏ, ít hứng thú như lau bàn hoặc cộng sổ sách và sau đó cố gắng đi ngủ lại. Mẹ có thể có đủ cảm giác mệt mỏi để đi vào giấc ngủ.

– Đừng đếm số giờ ngủ: Mặc dù giấc ngủ 8 tiếng được xem là tiêu chuẩn nhưng không ít người cần ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn. Nếu mẹ không cảm thấy mệt mỏi kinh niên nghĩa là giấc ngủ của mẹ có thể đã đủ số lượng.

 

 

Làm thế nào để ngăn ngừa mất ngủ khi mang thai

– Thử việc thiền và tâm sụ giải toả những lo lắng khi mang thai với bạn đời, người thân, bạn bè.

– Tránh sử dụng caffeine và sô cô la. Đặc biệt là vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối, vì chúng có tác dụng khiến cơ thể tỉnh táo.

– Ăn bữa nhỏ và vào lúc sớm. Một bữa ăn lớn vào buổi tối muộn có thể gây khó tiêu và làm khó ngủ.

– Ăn chậm, nhai kỹ có thể giúp ngăn chặn các triệu chứng ợ nóng.

– Giữ cho lượng đường trong máu ổn định bằng các món ăn vặt như bánh ngũ cốc nguyên hạt, sữa ấm, que phô mai hoặc vài quả mơ khô.

– Điều tiết lượng nước uống vào: Uống nhiều nước vào đầu ngày và cắt giảm đồ uống sau 6 giờ chiều. Điều này có thể giúp mẹ hạn chế thức dậy đi tiểu về đêm.

– Tập thể dục hàng ngày có thể khiến mẹ buồn ngủ hơn vào ban đêm. Chỉ cần tránh tập luyện quá gần giờ đi ngủ, vì nhịp tim tăng lên sau khi tập luyện có thể khiến mẹ tỉnh táo.

– Thực hiện thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Tạo cảm giác thư giãn bằng các hoạt động như: đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng, tập vài tư thế yoga nhẹ nhàng, tắm nước ấm, mát-xa bà bầu và quan hệ tình dục.

– Sử dụng một số ứng dụng điện thoại giúp ngủ ngon như hướng dẫn tự thiền định, âm thanh thiên nhiên hoặc phát tiếng ồn trắng.

– Sử dụng điện thoại, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử, TV hoặc máy tính xách tay trước khi đi ngủ có thể gây rối loạn giấc ngủ. Ánh sáng xanh của màn hình làm thay đổi cơn buồn ngủ và ngăn chặn mức độ hormone melatonin. Mẹ hãy tắt nguồn các thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.

– Kiểm tra nhiệt độ phòng để đảm bảo sự thoáng mát về đêm. Sử dụng các loại chăn và gối đủ mềm mà vẫn tạo điểm tựa cho tư thế nằm.

– Không nên thực hiện các hoạt động ban ngày như sổ sách, hoá đơn, họp online trên giường. Mẹ có thể vô tình liên kết phần đó với việc tỉnh táo và căng thẳng.

– Một chiếc gối có mùi thơm của hoa oải hương hoặc gói thơm được nhét vào vỏ gối có thể giúp mẹ thư giãn và ngủ nhanh hơn.

…………………………………………………………
☎ Có vấn đề cần tư vấn mời các mom inbox cho page hoặc liên hệ sđt: 0225.3.519.687 (Máy lẻ 116)
☎ Nhóm hỗ trợ sinh nở của Khoa sản nhi – Viện Y học biển nơi giao lưu, giải đáp câu hỏi của các mẹ:
https://www.facebook.com/groups/teamsinhnotaiyhb/