Táo bón là tình trạng gặp khó khăn khi đi đại tiện. Nó xảy ra khi phần thừa của thức ăn đã tiêu hoá xong bị cứng lại và không đi xuống theo đường tiêu hoá. Táo bón thường xuyên xảy ra với người đang mang thai do lượng hormone thai kỳ tăng lên ở tháng thứ hai hoặc thứ ba của tam cá nguyệt đầu tiên. Thông thường táo bón thai kỳ sẽ kết thúc khi mẹ sinh em bé. Để phòng ngừa táo bón mẹ có thể chỉ cần thay đổi đôi chút đơn giản về lối sống.
Táo bón thai kỳ phổ biến ở mức nào?
Khoảng 16 tới 39% mẹ bầu sẽ trải qua tình trạng này. Tình trạng táo bón hay xảy ra vào tam cá nguyệt thứ ba khi thai nhi lớn và nặng gây chèn ép lên xương chậu. Đôi khi mẹ còn có thể bị táo bón đến tận ba tháng sau khi sinh.
Nguyên nhân nào gây ra táo bón thai kỳ?
Thay đổi hormone khi mang thai và thói quen sinh hoạt có thể tăng khả năng gây táo bón thai kỳ. Ngoài ra còn các nguyên nhân như:
– Progesterone: Cơ thể mẹ sản sinh ra nhiều hormone progesterone khi mang thai. Progesterone sẽ làm ruột thả lỏng nên việc tiêu hoá thức ăn sẽ cần nhiều thời gian hơn. Thức ăn ở lại lâu trong cơ thể thì phần bã thải ra sẽ bị khô cứng gây ra táo bón.
– Thai nhi: Thai nhi lớn dần sẽ làm tử cung của mẹ nặng hơn. Sức nặng này sẽ gây áp lực lên ruột và khiến chất thải khó di chuyển trong cơ thể.
– Bổ sung quá nhiều sắt: Sắt là nguyên tố cần thiết để tăng cường tuần hoàn máu cho cơ thể mẹ và thai nhi. Tuy nhiên quá nhiều sắt sẽ làm vi khuẩn đường ruột khó phân giải thức ăn hơn. Uống ít nước cũng sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn do chất thải không được làm mềm.
– Thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn uống và tập luyện của mẹ mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đến việc có bị táo bón hay không. Đa phần các mẹ khi mang bầu không ăn đủ chất xơ, uống không đủ nước hoặc ít tập thể dục nên hệ tiêu hoá hoạt động kém hiệu quả, gây ra táo bón.
Dấu hiệu của táo bón?
– Mẹ chỉ đi nặng vài lần một tuần.
– Mẹ phải gắng sức khi đi nặng, bị đầy chướng bụng.
– Chất thải cứng và vón cục khiến việc thải ra gây đau.
– Đôi khi táo bón gây ra trĩ hoặc nứt hậu môn
Kiểm soát chứng táo bón thai kỳ như thế nào?
– Ăn 25 tới 30 gram đồ ăn giàu chất xơ hàng ngày sẽ làm chất thải mềm hơn. Đồ ăn nhiều chất xơ bao gồm hoa quả, rau, đậu, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp giảm tình trạng táo bón.
– Uống 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày. Mẹ mang bầu sẽ cần nhiều nước hơn bình thường để hỗ trợ thai nhi và chống táo bón. Mẹ có thể dùng các loại đồ uống sau thay thế nước: sinh tố, trà, nước quả ít đường, sữa ít béo…
– Tập luyện thể dục bình quân 20 tới 30 phút mỗi lần, 3 lần một tuần. Mẹ cần lưu ý rằng vì cân nặng tăng thêm khi mang thai nên những động tác đứng sẽ gây áp lực lên khớp. Tốt hơn cả là tập những bài yoga ngồi nhẹ nhàng trên thảm chuyên dụng.
– Tham khảo bác sĩ để giảm lượng bổ sung sắt sao cho vừa đủ không gây táo bón.